Gia Pháp - Gia Lễ

Gia Pháp

Đặc biệt nhất trong văn hoá gia đình Việt là có một gia pháp cho từng thành viên của gia đình cần phải gìn giữ.
Gia pháp là phép tắc của một gia đình, phép tắc này không ghi thành bản văn, mỗi gia đình có một gia pháp riêng, nhưng cũng rất chung nhiều cho các gia đình.

Gia pháp bao gồm:
Những phép tắc trong hành xử: làm con phải hiếu, làm anh chị phải nhừơng…
Những phép tắc về kính: giỗ chạp, kiêng tên, báo ân, họp mặt chúc tết ông bà…
Những nguyên tắc khi phải sửa dạy..

Gia pháp là một thứ luật lệ không văn bản trong một gia đình, cho nên người Việt được dặn khi đi đến đâu, khi đến ở gia đình nào, cần phải tuỳ cơ ứng biến mà: “Nhập gia tuỳ tục”. Giữ gìn phép tắc của gia đình người khác như gia đình của minh mới là người được đáng tôn trọng trong xã hội Việt Nam chúng ta.

Gia lễ

Lễ (nghi thức) của gia đình có thể tóm tắt trong: "quan, hôn, tang, lễ".
Quan không có nghĩa là làm quan, quan ở đây chính nghĩa là đội mũ, là hình thức lễ trân trọng chào mừng đứa bé mới ra đời;
Hôn có nghĩa là lễ thức hôn nhân của gia đình làm đẩ chúc mừng cho đôi trẻ thành hôn;
Tang là lễ thức tiễn đưa một người về chầu tiên tổ;
Tế là những hình thức tế lễ để kinh nhớ ông bà tổ tiên.

Gia pháp - Gia Lễ định hình cho một cấu trúc gia đình, không thành văn, mọi người đều cần được học biết để: "Nhập gia tuỳ tục", theo đó mà đánh giá được mức độ hiểu biết và lòng tôn trọng của người đến thăm.

Gia Phong
Từ những gia pháp - gia lễ của các gia đình hình thành nên gia phong của các gia đình ấy. Gia Phong nghĩa là phong cách sống của một gia đình, nó là danh dự của gia đình ấy, không được phép làm nhục gia phong, người làm nhục có thể bị khai trừ khỏi họ.

Ví dụ đời nhà Trần có Trần Ích Tắc, Trần Kiện bán mình cho quân Nguyên đã bị xoá tên trong họ để khỏi làm nhục cho gia phong.
Để gìn giữ gia phong nên mới có những gia huấn ca. Có rất nhiều sách gia huấn ca dành cho trẻ con cũng như người lớn. Điển hình sách dạy cho trẻ em thì có: Bùi Gia Huấn Hài của Bùi Dương Lịch, Khải Đồng huyết ước của Phạm Vọng, Sở học chỉ nam của Nguyễn Huy Oánh, Sách học vấn tân của Đặng Huy Trứ, về vè thì có Hiếu tự ca, Nữ tắc thường lẽ.. của cụ Sáu Trần Lục.

Những sách cho nhiều người làm sách gối đầu thì có gia huấn ca của Nguyễn Trãi, Huấn Đồng thi tập của phùng Khắc khoan (Hoàng giáp năm 1580), Nữ huấn tân thư của Ngô Thế Vinh (tiến sỹ năm 1829), Ngũ huấn quốc tự âm của Nguyễn Tông Khuê (hoàng giáp năm 1721), Phụ châm tiện lãm của Lý văn Phức (cử nhân năm 1820)… các sách thuộc loại gia huấn ca có chỗ đứng rất cao trong các thể loại sách từ xưa đến nay.

Từ hình thức văn chương đến hình thức kịch nghệ, sân khấu, đến phim ảnh là khoa học hiện đại, chủ đề gia huấn ca vẫn là một đề tài hấp dẫn nhiều người bằng nhiều cách thức diễn tả khác nhau. Các phim ảnh có ảnh hưởng nhiều nhất đối với người Việt là loại phim ảnh tâm lý giáo dục hôn nhân gia đình.Thấy những giá trị của gia huấn ca mới thấy được tầm quan trọng của nét gia phong, chính ở đó hình thành những nhân cách cá nhân tuyệt vời cho xã hội.

Gìn giữ và phát triển gia phong là cách bảo tồn văn hoá gia đình cách thiết thực và chinh phục nhất và cũng là cách thức bảo tồn phong phú nhất cho bản sắc văn hoá gia đình Việt.

Tác giả Nguyễn Đức Quỳnh - Email: hoaquynh04@hotmail.com

0 bình luận: (+add yours?)

Đăng nhận xét