GIA HUẤN TRONG GIA PHẢ

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 3- 1998.
Tác giả Lê Thu Hương là Thạc sĩ (luận văn về Châu Xuyên gia huấn của Bùi Tử Lạc), hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

VÀI NÉT VỀ MẢNG "GIA HUẤN" ĐƯỢC CHÉP TRONG MỘT SỐ CUỐN GIA PHẢ
Lê Thu Hương

Người xưa nói "chim có tổ, người có tông". Mỗi người sinh ra ai mà chẳng có cội nguồn tổ tông, như dòng sông, con suối đều có ngọn nguồn của nó. Nếu như lịch sử của một dân tộc thể hiện qua những trang chính sử, thì sự hưng vong của một dòng họ, một gia tộc, có thể thấy được qua từng trang của gia phả.

Lần giở lại những trang gia phả, chúng ta sẽ hiểu được cội nguồn của dòng họ, qua đó một điều dễ nhận thấy là có không ít các bản gia phả kèm theo những bài "huấn". Đó là những lời khuyên răn, dạy bảo con cháu cách sống, các làm người. Tuỳ thuộc vào từng dòng họ khác nhau mà nội dung các bài huấn mang sắc thái riêng.

Tiếp sau bài Sách có nội dung giáo dục gia đình hiện tàng trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đăng ở Tạp chí Hán Nôm số 3/1994, trong bài viết này, với sự tìm hiểu bước đầu, chúng tôi xin giới thiệu một số nét về mảng gia huấn được chép lẫn trong các bản gia phả hiện đang tàng trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đó là:

- Lê tộc phả ký, A.2807
- Hồ gia hợp tộc phả ký, A. 3076
- Nguyệt áng Lưu thị gia phả, A.811
- Nguyễn tộc gia phả, VHv.2488
- Hoa cầu xã Nguyễn tộc gia phả, A.667.
1. Cách sắp xếp các bài huấn trong gia phả thường không tuân theo một trật tự nhất định nào: nó có thể nằm ở đầu sách, như ở cuốn Lê tộc phả ký, có thể nằm ở giữa sách, như ở cuốn Nguyễn tộc gia phả, hay cuốn Hoa Cầu xã Nguyễn tộc gia phả, có khi, nó lại nằm ở cuối sách, như ở cuốn Nguyễn tộc gia phả.

2. Tiêu đề các bài huấn thường kèm theo tên, chức tước của người chép huấn, như: "Giám sinh Lê Toàn Thành huấn giới tử tôn biên" (Lê tộc phả ký), "Cùng đạt gia huấn của Hồ Phi Tích" (Hồ gia hợp tộc phả ký),"Tiến sĩ Hiến Tế công gia huấn" (Nguyệt áng Lưu thị gia phả) v.v.

3. Trong các bài huấn, ngoài lời khuyên răn cụ thể còn có một số tựa dẫn. Chẳng hạn lời tựa dẫn ở Lê tộc phả ký viết:

Lê Toàn Thành dĩ thế gia thừa tổ tông cơ nghiệp, luỹ thế phú nhiêu, dục hậu tử tôn tu đức, tuân nhi vật thất. Kiến gia bản thế truyền, dĩ viễn hủ nhi khuyết thất. Khủng cửu hoặc sai võng tri sở pháp, nhưng kế tả nhất thiên thân minh điển chương, gia ngôn, ý hạnh dĩ kế chí thuật sự, sử vạn đại tử tôn vi cơ nghiệp bản căn, lưu truyền gia pháp. Cẩn tả.(Lê Toàn Thành vì thế gia được thừa hưởng cơ nghiệp tổ tông, nhiều đời sung túc (nên) muốn con cháu về sau tu đức, noi theo mà không để mất đi. Thấy trong nhà vốn đã có gia huấn lưu truyền, nhưng do lâu ngày (nên) rách nát, không còn nguyên vẹn. E rằng đời sau hiểu sai cả khuôn phép, bèn viết tiếp một thiên dài, làm sáng tỏ điển chương, dùng lời hay, ý đẹp để trần thuật chí hướng và sự nghiệp của cha ông, khiến cho con cháu muôn đời mãi mãi làm nền móng cho cơ nghiệp, lưu truyền lại làm phép nhà. Vậy cung kính viết ra).

Hay lời tựa sách Nguyễn tộc gia phả viết:
Ngã tiên tổ cơ cần chi đức, dữ phù bản chi thế thứ chi truyền, giai khả nhân thị dĩ khảo đính, ngã tử tôn lệ chí nhi hành chi. Tục niên nhi biên chi. Vu dĩ quảng phù vị quảng chi căn cơ, vu dĩ thành phù vị thành chi sự nghiệp, tắc triệu chi bồi chi, nhi hựu năng thành chi. Dĩ chí thiên vạn đại vô cùng, chân cá thị quang vu tiền, thùy vu hậu, nhi vi hiếu chi đại hĩ.
(Đức cần cù của tổ tiên cùng với sự truyền nối các đời của chi ta, tất cả đều có thể dựa vào đó để tra cứu, xác định. Con cháu ta gắng chí làm theo, hàng năm ghi chép thêm làm cho cái căn cơ chưa rộng trở thành rộng, làm cho cái sự nghiệp chưa thành trở nên thành, thế là có gây dựng, có bồi đắp, lại có thể đưa tới thành công để truyền cho con cháu muôn đời. Thật là làm tỏ đời trước, chiếu rọi đời sau, như thế mới là đại hiếu).

4. Nội dung giáo dục:
Giáo dục con cái là công việc không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhận thức được điều đó, các bài huấn đã nêu ra tác dụng của việc dạy dỗ con cái:

Trang Tử viết: sự tuy tiểu, bất tác bất thành. Tử tôn tuy hiền, bất giáo bất minh.(Trang Tử nói: việc tuy nhỏ, không làm (thì sẽ) không hoàn thành. Con cháu tuy có tài, không dạy không sáng suốt được).

Hán thư viết: hoàng kim mãn doanh, bất như giáo tử nhất kinh. Tứ tử thiên kim, bất như giáo tử nhất tự.(Hán thư nói: Vàng bạc đầy một giỏ cũng không bằng dạy con một kinh sách. Cho con ngàn vàng không bằng dạy cho nó một chữ).

(Nguyệt áng Lưu thị gia phả, 133b)

Giáo dục lao động là vấn đề luôn đặt ra trong các bài huấn. Sách nêu những chuẩn mực đạo đức của từng giới và khuyên con cháu thực hiện thế nào cho phải.

Phàm thế gia, vi nam tử giả, nghi đôn học nghiệp, chuyên tâm trí ý, bất hoặc tha kỳ, kỳ dĩ văn chương hiển danh ư thế. Vinh hoa tự hữu thời, an ư sở ngộ, gián hoặc giáo dụ hậu nhân, tắc nghi tâm chí bất quyện. Thời nhi đăng khoa hiển sĩ, tắc thủ sản cần bất vong, như thử quang ánh tổ tông, bất vi gia huấn. Vạn nhất hữu mỗ nhân hoặc bất thành công danh ư học nghiệp, nghi cần lực ư nông mẫu.
(Phàm thế gia, làm người con trai nên chú trọng vào nghiệp học, chuyên tâm dốc ý, không được nghiêng ngả dao động, khi có dịp thì lấy văn chương hiển danh ở đời. Vinh hoa có thời, khi đến sẽ đến, việc dạy bảo con cháu phải dốc lòng, không biết mệt mỏi. Khi làm quan đăng khoa, thì lo giữ sản nghiệp, chăm chỉ không quên, như vậy sẽ làm rạng rỡ tổ tông, không làm trái với gia huấn. Nếu như có ai không thành danh ở trong nghiệp học, nên dốc sức và nghề nông).

(Lê tộc phả ký, tờ 1b)

Để khuyên con trai nên gắng sức học hành, sách Hoa Cầu xã Nguyễn tộc gia phả viết:
Họ ta gia thế bản Nho,
Con trai nên nặng công phu học hành.
ắt lại thấy công danh sự nghiệp,
Hiển vinh này nền nếp con giai.
Dầu ai luật sức kém tài,
Canh van nhiễm tác sản bài tứ dân.
(Hoa Cầu xã Nguyễn tộc gia phả, tờ 14a).

Sách khuyên con trai không nên cờ bạc, rượu chè, trai gái, làm tổn hại đến phong tục giáo hóa của dòng họ:
Viết kiêu, viết xỉ, viết du hý, viết đãi, viết tửu sắc, giá thất tự, nhất hoặc phạm chi, bất miễn phá gia nghiệp, đọa gia thanh...
(Kiêu căng, xa xỉ, chơi bời, không cẩn thận, rượu chè, hiếu sắc, trong 7 điều này, nếu phạm một điều cũng sẽ không tránh được việc phá nghiệp nhà, mất thanh danh của dòng họ).

(Hồ gia hợp tộc phả ký, 50a)

Sắc bất dâm, dâm tắc loạn gia bại tạng; tửu bất khả túng, túng tắc loạn tính bại thân; bác dịch bất khả hoang ngu, hoang ngu tắc táng gia bại sản(Sắc đẹp thì đừng ham (vì) ham sắc đẹp sẽ dẫn đến loạn gia, bại tạng; rượu chớ nghiện, vì nghiện rượu sẽ dẫn đến loạn tính, bại thân; cờ bạc thì đừng ham mê, (vì) ham mê cờ bạc sẽ dẫn đến khuynh gia bại sản).
(Lê tộc phả ký , 3a)

Đối với con gái, sách khuyên giữ gìn công, dung, ngôn, hạnh-những phẩm cách đáng quý của người con gái.
Chữ rằng hiền nữ kính phu,
Tam tòng tứ đức dễ mua đâu mà.
Mấy lời ấy thực là có ích,
Chớ lấy làm quê kệch mà quên.
(Hoa Cầu xã Nguyễn tộc gia phả, 15a)
Nhận thức được tác dụng của việc dạy con, từ đó có những phương pháp giáo dục sao cho phù hợp, sách Nguyệt áng Lưu thị gia phả đã viết:

Nam tử bất giáo, trưởng đại ngu ngoan. Nữ tử bất giáo, trưởng đại thô sơ. Dưỡng nam chi pháp, mạc thính cuồng ngữ; dục nữ chi pháp, mạc giáo ly mẫu. Nam niên trưởng đại, mạc tập lạc tửu, nữ niên trưởng đại, mạc giáo du tẩu. Nghiêm phu xuất hiếu tử; nghiêm phụ xuất xảo nữ.(Con trai mà không dạy dỗ, lớn lên sẽ trở thành người ngu dốt, ngoan cố. Con gái không dạy dỗ, lớn lên sẽ trở thành người thô thiển. Phương pháp dạy con trai không nên để chúng nghe những lời điên khùng. Phương pháp dạy con gái không để chúng xa mẹ. Con trai lúc trưởng thành không nên tập nghiện rượu; con gái lúc trưởng thành dạy không được du chơi. Cha nghiêm thì sinh ra con trai có hiếu, mẹ nghiêm thì sinh ra con gái khéo léo).

(Nguyệt áng Lưu thị gia phả, 134a,b)
Không chỉ dừng lại ở các mối quan hệ trong gia đình, các bài huấn trong các cuốn gia phả còn đưa ra những lời khuyên về các mối quan hệ ngoài xã hội, như đối với anh em, họ hàng, nên kính trên nhường dưới, hòa nhã với mọi người, chia ngọt xẻ bùi, tương thân tương ái:
Phàm thế gia tử tôn, huynh đệ tương xử, đương huynh hữu đệ cung, tương thân tương ái, hữu hỷ tắc tương hoan hân, hữu thán tắc tương cứu trợ. Xử sự dụng chi dĩ công phẫn nộ gia chi dĩ nhẫn.(Phàm thế gia, là con cháu, anh em đối xử với nhau (thì) anh phải hòa thuận, em phải cung kính, tương thân tương ái; khi có niềm vui thì cùng san sẻ, lúc gặp hoạn nạn thì cứu giúp lẫn nhau. Xử sự phải công bằng, gặp chuyện bực bội thì phải nhẫn nhục).
(Lê tộc phả ký, 2b).

Đối với hàng xóm, láng giềng, sách khuyên nên giữ quan hệ sao cho đúng mực, bởi hàng xóm láng giềng là những người "tối lửa tắt đèn có nhau":
Ở làng tạm bớt lời dức lác,
Sự người đừng bàn bạc dại khôn.
(Hoa Cầu xã Nguyễn tộc gia phả, 15a)

Phàm thế gia tử tôn tuy quý thịnh, kỳ tại hương đảng thí dĩ ân, vật gia dĩ oán, bỉ hoặc hữu ác, tắc tha nhân diệc dĩ ác báo chi, hà tất hữu tranh cạnh chi ý.(Phàm thế gia, là con cháu nếu được hưởng phú quý (thì nên) ban ơn cho mọi người trong làng xóm, chớ gây oán hận; kẻ làm điều ác sẽ bị người đời báo lại điều ác, hà tất phải ganh đua ?).
(Lê tộc phả ký, 2b)

Qua phần nội dung giới thiệu ở trên, chúng ta phần nào hiểu được cách giáo dục trong gia đình truyền thống của cha ông chúng ta. ở đây có những mặt tích cực cần phát huy, nhưng cũng có không ít những hạn chế, bị lịch sử vượt qua, nay không còn thích hợp nữa.

Văn hóa của một quốc gia, một dân tộc bao giờ cũng bắt nguồn từ văn hóa của một gia đình, một dòng họ. Văn hóa của một gia đình như thế nào còn phụ thuộc vào sự dạy bảo, khuyên răn của các thế hệ đi trước. Vấn đề giáo dục gia đình là vấn đề đang được đặt ra một cách bức thiết trong xã hội hiện nay. Làm thế nào để phát huy những phẩm chất cao quý mà ông cha ta để lại, và để hạn chế được những mặt tiêu cực, đó là vấn đề cần đặt ra.

Hưởng ứng cuộc vận động "Vấn đề gia đình ở nước ta", chúng tôi bước đầu giới thiệu đôi nét về mảng "gia huấn" được chép trong một số cuốn gia phả. Thiết nghĩ đây cũng là việc làm cần thiết, đáng được quan tâm.

Copy từ blog Nguyễn Xuân Diện, http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/10/gia-huan-trong-gia-pha.html

1 bình luận: (+add yours?)

Hồng My nói...

Bài viết của bạn hay lắm. Kakoi đơn vị thiết kế nhà đẹp nhất tại Việt Nam. Cjhungs tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực kiến trúc ngoại thất như biệt thự, nhà cấp 4, nhà ống. Trong đó mẫu nhà cấp 4 gác lửng được chúng tôi thiết kế rất nhiều bởi phù hợp với khách hàng hiện nay.

Đăng nhận xét