Câu đối ở Cổng đền An Sinh



NỘI DUNG CÂU ĐỐI Ở CỔNG ĐỀN AN SINH

Nhờ bạn Khế Và Ổi (https://www.facebook.com/khe.vaoi) dịch, tổng hợp và xin đăng lên như sau:

CỔNG CHÍNH

Nội dung câu đối ở cổng chính vào đền An Sinh (An Sinh Từ) ở Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều.

Phù quốc tộ bảo hồng đồ đồng nhật nguyệt quang huy vạn cổ
Kí dân khang kì vật thịnh tịnh sơn hà tráng cố thiên thu


Nghĩa là:
Giúp nước phúc, giữ cơ đồ cùng nhật nguyệt sáng soi muôn thuở
Mong dân yên, cầu thịnh vượng với sơn hà bền vững nghìn thu


CỔNG PHỤ BÊN TRÁI:
Câu đối ở cổng phụ bên trái (từ đền An Sinh nhìn ra)

Tòng Phật pháp điện sơn hà Thiền tông sáng thủy
Cứu lê dân an Đại Việt cao đạo hà xương


Nghĩa là:

Theo Phật pháp, định sơn hà Thiền tông khai sáng
Cứu dân đen, yên Đại Việt đạo lớn rạng ngời


Hai câu đối này ám chỉ vua Trần Nhân Tông đi tu sáng lập phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Hai chữ lớn trên câu đối là Vạn Kiếp (chỉ chiến thắng Vạn Kiếp thời Trần)


CỔNG PHỤ BÊN PHẢI

Câu đối ở cổng phụ bên phải (từ đền An Sinh nhìn ra)

Vạn Kiếp hề cao sơn nghiễm nghiễm tôn an toàn Việt địa
Lục Đầu hề đại hác thao thao táng thư bạo Nguyên binh


Nghĩa là:

Vạn Kiếp chừ núi cao uy nghiêm trấn giữ đất Việt
Lục Đầu chừ sông lớn cuồn cuộn vùi hại quân Nguyên


Hai câu đối này nhắc đến việc quân nhà Trần đã giết Ô Mã Nhi tại trận chiến trên sông Lục Đầu sau khi giặc đem quân vào Vạn Kiếp theo hai đường thủy, bộ.
Hai chữ lớn trên câu đối là Chương Dương, nhắc đến trận chiến tại bến Chương Dương tướng Trần Quang Khải đuổi giặc Thoát Hoan phải chui ống đồng chạy trốn.

Cám ơn bạn Khế Và Ổi (Huỳnh Nhật Hà)



LỊCH SỬ VỀ ĐỀN SINH - NGÔI ĐỀN THỜ CÁC VỊ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN TẠI ĐÔNG TRIỀU, QUẢNG NINH


Nằm trong hệ thống di tích nhà Trần tại Đông Triều, cách không xa thị trấn Đông Triều có một ngôi đền được coi là một trong số những công trình tín ngưỡng tâm linh thiêng. Đền An Sinh, ngôi đền lớn thờ tự các vị vua Trần, xưa Đền còn được gọi là Điện An Sinh. Đền toạ lạc trên một đồi đất thoai thoải giữa vùng linh địa ở thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều. Phía sau đền gồm các lăng miếu các vua Trần được cũng được xây dựng ở vùng đất này. Đây là một di tích cổ nằm trong quần thể khu di tích đền thờ lăng mộ các vua Trần ở huyện Đông Triều.

Theo nội dung văn bia tại đền An Sinh do ông Hoàng Giáp, Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm và dịch tại Thông báo Hán Nôm năm 2002, Hà Nội, 2003, trang 164 thì Ngũ vị hoàng đế triều Trần được thờ tại điện An Sinh gồm có: "Anh Tông hoàng đế, mất ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (1320). Táng tại lăng xứ Đồng Thái, 65 mẫu. Minh Tông hoàng đế, mất ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357). Táng tại lăng xứ Đồng Mục, 65 mẫu. Dụ Tông hoàng đế, mất ngày 25 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1369). Táng tại lăng Phụ Xứ, 65 mẫu. Phụ Xứ tục gọi là xứ Đống Mối. Nghệ Tông hoàng đế, mất ngày 15 tháng 12 năm Giáp Tuất (1394). Táng tại xứ Đồng Hỷ, 65 mẫu. Tục truyền là Chiêu lăng. Khâm minh Thánh vũ hiển đạo An Sinh hoàng đế, mất ngày 2[…] tháng 10 năm Tân Hợi, táng tại xứ Đồng Sinh, 65 mẫu. Nghi mất vào ngày 1 tháng 4…". Trong năm vị được thờ tại Điện An Sinh trong lịch sử, có một nhân vật được tôn làm hoàng đế mặc dù chưa nắm ngôi vị lần nào đó là Trần Liễu (An Sinh vương- anh trai của vua Trần Thái Tông) với hiệu Khâm minh thánh vũ hiển đạo An Sinh hoàng đế. Vùng đất An Sinh xưa chính là Thái ấp đầu tiên tại vùng đất Đông Triều mà người em trai vua Trần Thái Tông đã ban cho Trần Liễu.

Sự kiện lịch sử năm 1381 theo văn bia còn lưu giữ tại đền An Sinh thì năm 1381, để tránh nạn người Chiêm sang cướp phá, nhà Trần đã chuyển các lăng mộ về An Sinh Đông Triều, sau lăng mộ vua Trần Anh Tông là công trình lăng tẩm đầu tiên của nhà Trần xây dựng trên đất Đông Triều năm 1320. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Tháng 6, rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh [nạn] người Chiêm Thành vào cướp”. Theo văn bia và lệnh chỉ tại đền An Sinh thì tên điện An Sinh được nhắc đến sớm nhất trong bia ký là năm Chính Hòa 11 (1690), bia có tên Trần triều bi ký, bia này được khắc lại vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) nội dung ghi lại ngự vị các vua Trần an táng tại An Sinh; bia Trùng tu tự bi ký năm thứ 7 (1711) có nhắc đến việc phân công người của chúa Trịnh để trông nom điện An Sinh. Như vậy, có thể thấy điện An Sinh nơi thờ ngũ vị hoàng đế tồn tại ít nhất đến thời Lê và sau đó được xây dựng lại để thờ Bát vị hoàng đế triều Trần ở thời Nguyễn. Cũng theo nội dung văn bia Trần triều bi ký có ghi: "…Miếu công chúa Ai Lao tại xứ Cây tùng, điện An Sinh, 19 mẫu, 9 sào". Cùng với việc thờ ngũ vị hoàng đế thì tại điện An Sinh còn có miếu thờ công chúa Ai Lao - Linh Xuân, công chúa là người tài đức vẹn toàn nên đã được triều đình nhà Trần và nhân dân lập miếu thờ. Bia Thừa lập hậu thần bi ký dựng năm Cảnh Hưng thứ 28 năm 1767 có ghi nội dung trùng tu điện An Sinh và miếu công chúa Ai Lao - Linh Xuân. Hệ thống văn bia này hiện vẫn còn được lưu giữ tại đền An Sinh.

Theo Trần triều Thánh tổ các xứ địa đồ, năm Bảo Đại thứ 17 (1944) thì quy chế điện An Sinh được chia làm ba tòa với ba cấp nền khác nhau. Tòa trong cùng nền dài 3 trượng (9,9m); rộng 2 trượng 2 (7,2m); tòa giữa nền dài 2 trượng (6,6m) và tòa ngoài cùng có nền dài 3 trượng 5 (11,55m); rộng 2 trượng (6,6m); xung quanh điện có hai lớp tường đất bao, hai lớp tường cách nhau 2 trượng (6,6m); tường đất phía ngoài giáp lăng Tư Phúc ở phía đông bắc có chiều dài 15 trượng (49,5m).

Vào thời Nguyễn điện được xây dựng lại với kiến trúc gồm ba tòa nhà rộng 5 gian theo kiểu chữ tam. Lúc này trong đền thờ tám vị hoàng đế, với ý nghĩa thờ tám vị thánh triều Trần. Hai bên có các dãy nhà khách và dãy nhà cho người coi đền ở. Ngoài ra bên cạnh đền có hai miếu nhỏ, một cái thờ Bà Hoàng và một cái (phía trái của đền) thờ đức Thánh Khổng Tử. Chung quanh có thành bao bọc rộng. Phía trước cửa có bia nhỏ đề "Hạ mã" và "Tiêu diệc".

Trải qua thời gian sự hủy hoại của thiên nhiên cũng như chiến tranh tàn phá điện An Sinh chỉ còn lại phế tích, theo tư liệu khảo sát thực địa về điện An Sinh của Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ trung ương tháng 6 năm 1968 thì điện An Sinh có một thời gian được sử dụng làm trường học cho học sinh miền Nam. Khu này vốn là một vùng bãi rộng, sau ngày hòa bình, Bộ Giáo dục cho dựng nhiều nhà gạch để lập trường học cho những học sinh từ miền Nam ra tập kết. Giai đoạn năm 1997-2000, với nghĩa cử uống nước nhớ nguồn, tri ân tiên tổ, huyện Đông Triều được sự ủng hộ của tỉnh và hảo tâm công đức của nhân dân trong vùng đã đứng ra khôi phục lại ngôi đền, đền được khởi công xây dựng lại trên mặt bằng của nền đền cũ.

Hệ thống đền mới gồm hai khu vực: Khu nội tự: có diện tích khoảng 1000m2 là khu vực hiện được bao bọc bởi hệ thống tường rào xây gạch. Khu này hiện có các công trình kiến trúc: Cổng chính điện, tả - hữu vu, nhà bia công đức, sân vườn và một số công trình phụ trợ khác. Tòa chính điện có bố cục mặt bằng hình chữ công, hậu cung là nơi đặt tượng thờ tám vị vua Trần gồm: Thái Tông, Thánh Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông và Giản Định; tòa trung cung đặt tượng thờ Trần Hưng Đạo; tiền đường đặt bát hương công đồng và một số đồ tế khí.Tại đền còn lưu giữ được một số các di vật: hệ thống các tảng kê chân cột (bằng đá xanh và đá cát kết), thềm bậc đá, tượng đá (tượng quan hầu), bia đá (03 bia trong đó có 02 bia thời Lê, thế kỷ XVIII; 01 bia thời Nguyễn thế kỷ XIX); bát hương đá; đồ đồng. Đặc biệt là rất nhiều vật liệu và cấu kiện trang trí kiến trúc bằng đất nung (từ thế kỷ XIV - XVIII): mảnh tháp, gạch, ngói, các linh thú… đây là tập hợp các di vật được sưu tầm tại các điểm di tích thuộc đền và các lăng miếu vua Trần trong những năm gần đây. Khu giáp ranh: là toàn bộ phần đất vườn được Ủy ban nhân dân huyện giao cho các hộ dân thuê để trồng cây ăn quả lâu năm, nuôi thả cá, diện tích khoảng 10 ha.

Lễ hội của đền An Sinh, được lấy ngày khánh thành đền vào 20/8 âm lịch cũng là ngày giỗ của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn để tổ chức. Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày, trong lễ hội có phần lễ gồm tế lễ của nhân dân các xã xung quanh khu vực đền, dâng hương tưởng niệm các vị vua Trần tại đền và các lăng của vua Trần; phần hội gồm các mục diễn xướng các tiết mục văn hóa, văn nghệ kèm theo đó là các trò chơi dân gian phục vụ trong các ngày hội của đền.

copy của tác giả Nguyễn Trung Dũng (phòng TT-QB) (BQL các Di tích trọng điểm QN). Cám ơn

2 bình luận: (+add yours?)

Nặc danh nói...

hay

Unknown nói...

"táng tận" thấy vì "táng thư'

Đăng nhận xét