Hỏa khí





Thực tế đến giai đoạn Trịnh, Nguyễn phân tranh hỏa khí đã được trang bị và sử dụng phổ biến trong hầu hết các trận đánh. Trong giới hạn của bài viết chỉ xin tóm lược về trang bị hỏa khí của nhà Nguyễn trước và đầu thời Gia Long.

Theo Đại Nam Thực Lục, từ khi chúa Nguyễn vào Nam đã sớm mưu lập quốc chống đối với nhà Trịnh nên ông rất chăm lo sắm sửa khi giới. Chúa Nguyễn cho lập xưởng đúc hỏa khí:

"Đặt ty Nội pháo tượng. Nội pháo tượng : thợ đúc súng ở trong nội và hai đội Tả Hữu pháo tượng.. Việc đúc đại bác, mỗi khẩu dùng 12 khối sắt, 10 cân gang, tiền than 3 quan 5 tiền. Đúc súng tay thì cứ 10 cây dùng 30 khối sắt, 30 cân gang, 10 quan tiền than)."

Rồi lập trường bắn, đặt lệ luyện quân:

"Phú Vang làm trường thao diễn thủy quân ở xã Hoằng Phước (tức xã Hồng Phước, thuộc huyện Phú Vang bây giờ), đắp núi đất cao hơn 30 thước, rộng hơn 150 thước, cứ đến kỳ tháng 7 thì thao diễn phép bơi chèo và bắn súng, ai trúng thì thưởng vàng lụa. Từ đấy trở đi thủy quân đều tinh luyện."

Đến khi Tây Sơn khởi nghĩa, phong trào "nông dân" này cũng không hề trang bị kém cỏi:

"Chúa ra lệnh đưa xa giá lánh đi. Lý Tài chia quân làm bốn đạo, thúc trống tiến lên. Đông cung sai người mở cờ làm hiệu, cờ có sáu chữ: “Đông cung phụng mệnh chiêu an”. Quân Lý Tài trông thấy, bỏ súng lạy rạp, tiếng hoan hô như sấm, rồi rước Đông cung về Dầu Mít. ở vài ngày, Đông cung sai Nội tả Nguyễn Mẫn đi Sài Gòn úy dụ quan quân, chiêu an dân chúng."

Có thể thấy thay vì bỏ "gươm, giáo" thì quân Lý Tài bỏ "súng" điều đó chứng tỏ súng đã trở thành vũ khí cơ bản trong thời kỳ này.

Đến khi Nguyễn Thế Tổ bôn tẩu, ngài ngự cũng cầm súng xông trận:

"Vua mặc áo chiến đội nón chiến đứng ở đầu thuyền, vẫy quân đánh gấp. Giặc nhắm đầu thuyền bắn, gẫy cả cột buồm, quân sĩ đều thất sắc ; vua đứng yên không động, tay cầm súng chim bắn lại thuyền giặc, và hạ lệnh cho quân sĩ vừa đánh vừa lùi."

Và ngài ngự là một tay xạ thủ "bách phát, bách trúng":

"Vua ra trận giỏi dùng súng chim. Mỗi khi đánh nhau với giặc hễ bắn là trúng, người ta đều cho rằng được trời giúp. Khoảng năm Minh Mệnh đặt tên súng ấy là Võ công lương khí, cất giữ với áo chiến và nón chiến."

Cũng có lúc đánh trận súng đạn thiếu thốn thì ngài cũng giỏi xoay sở miễn sao luôn có đủ súng đạn:

"Vua tiến đóng ở Hồi Oa, sai các tướng đắp thành đất, Hoàng Văn Khánh và Tống Phước Ngạn đóng bên tả, Nguyễn Văn Trương và Tô Văn Đoài đóng bên hữu, đối lũy với giặc, đánh vất vả luôn mấy ngày. Bèn sai chế thêm súng gỗ và kết hột cau khô làm đạn, dùng để đánh giặc. Giặc phải rút lui."

Hoặc mua súng đạn của người Tây Dương:

"Người nước Bút Tu Kê (Bồ Đào Nha (Portugal)) tên là Chu Di Nô Nhi đến buôn bán, nhân đó vua sai gửi thư cho quốc trưởng nước ấy để mua binh khí. (1 vạn cây súng chim, 2.000 cỗ súng gang, mỗi cỗ nặng 100 cân, 2.000 viên đạn nổ, đường kính 10 tấc)."

Ngài ngự sai lập xưởng đúc súng, sắm sửa khí giới nhiều đến nỗi vua Xiêm dù là đồng minh cũng sợ ông nổi hứng trở cờ:

"Trước là phụ chính Chân Lạp là Chiêu Chủy Biện vì cớ ta sai người giữ Ba Xắc nên không được tự chuyên, trong lòng để giận ngầm, nói với vua Xiêm rằng nước ta đương trị binh đúc súng, muốn mưu đánh nước Xiêm. Vua Xiêm ngờ, định ngày cất quân sang xâm lấn. Vua nghe tin, bèn làm thư sai bọn Nhàn đưa cho vua Xiêm. Vua Xiêm nhận được thư, bèn thôi."

Súng không chỉ trang bị cho quân đội, ngài ngự còn đặc biệt lấy súng làm tặng phẩm ngoại giao hoặc ban thưởng cho các vị võ tướng:

"Có Võ Văn Sở là người thượng đạo Phú Yên tụ họp quân Man, đi theo Võ Văn Lượng và Mai Tiến Vạn đánh phá đồn và trận của giặc, chém được đô đốc Phượng. Quân giặc tán loạn, vứt bỏ khí giới lương thực mà chạy. Bọn Nguyên lùi giữ chợ Hội An. Vua nghe tin, khen ngợi, cho Sở làm Khâm sai cai cơ, ban cho một cây súng cò đá lửa của Tây Dương, một thanh gươm đầu hổ, một tấm nhiễu đỏ, một chiếc áo chiến bằng trừu bách hoa, 100 quan tiền."

"Hạ lệnh cho Lê Chất về Bắc Thành. Cho súng mạ vàng, gươm mạ vàng, gươm mạ bạc của Tây Dương, mỗi thứ hai cái, và phát 20 thớt voi ở Kinh cho theo đi thú."

Sơ lược như vậy đủ thấy vì sao thời này áo giáp trở thành thứ yếu, hoặc trang bị nếu có thường là giáp nhẹ
--
Bài và ảnh của Phan Thanh Nam

0 bình luận: (+add yours?)

Đăng nhận xét